Sau chuyến du lịch dài ngày thăm vùng đất cố đô Huế thơ mộng và trãi nghiệm để hoàn thành chuỗi Vlog Hương Giang Ký Sự mình cảm thấy yêu hơn vùng đất này, hiểu thêm về những giá trị lịch sử đẹp đẽ và cả khổ đau đã in sâu vào lối sống của người dân chốn kinh thành xưa. Mình đã rưng rưng khi nghe kể về ngày Kinh Đô Thất Thủ, một sự kiện mà mình đã bỏ qua khi học lịch sử. Bài viết này, xin kể lại chuyến đi thăm Cung An Định vào một chiều tháng 5 với rất nhiều cảm xúc khó tả khi tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của lịch sử trong những công trình còn nguyên vẹn sau hơn 1 thế kỷ.

Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu êm đềm, ở 179B đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế. Xưa kia từng là phủ riêng của vua Khải Định khi ông đang là Thái Tử. Sau này vua Bảo Đại thừa kế và từng sống ở đây cùng gia đình trong khoảng thời gian sau khi thoái vị.
Cung An Định có tổng diện tích là 23.463 m2, với tổng cộng 10 công trình gồm có bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước. Bây giờ thì chỉ còn lại 3 công trình là cổng chính, đình Trung Lập và Lầu Khải Tường. Ba công trình chính này đã và đang được trùng tu hoàn chỉnh để chúng ta tham quan.

Cung được Vua Khải Định xây dựng từ năm 1917. Trãi qua hơn 100 năm với nhiều biến cố, thay đổi và tàn phá bởi chiến tranh. Nhưng vẻ đẹp mỹ thuật và kiến trúc của những công trình còn giữ lại đã nói lên được phong cách, lối sống và thẩm mỹ của gia đình vương gia triều Nguyễn.
Cổng chính được xây dựng theo lối tam quan, hai tầng. Cổng được trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đây là phong cách kiến trúc xây dựng đặc trưng của Huế vào triều Đại nhà Nguyễn.
Đình Trung Lập, nằm ngay giữa cổng vào và Lầu Khải Tường. Đình được xây theo kiến trúc kiểu đình bát giác, trên nền cao. Trong đình có đặt bức tượng đồng vua Khải Định tỷ lệ bằng người thật, được đúc từ năm 1920.

Lầu Khải Tường là một tòa cung điện lớn, xây 3 tầng với kiến trúc và vật liệu xây dựng mới theo phong cách Âu châu. Các cột, mái, hành lang, ban công, cửa và cửa sổ được trang trí với những họa tiết khắc chạm rất công phu, tỉ mỉ. Cái tên Khải Tường có nghĩa là nơi khởi phát điềm lành.

Bước vào bên trong Lầu Khải Tường, ta bắt gặp ngay những bức tranh tường phong cảnh Việt Nam, được vẽ tay với giá trị nghệ thuật cao. Kết nối tổng thể nội thất tòa nhà bằng những họa tiết trang trí đồng nhất được vẽ trực tiếp trên trần, tường, cột, hành lang và lối đi.
Trãi qua những biến động của lịch sử, những họa tiết trang trí này bị phá hủy cũng như bị che lấp bởi lớp sơn tường. Hiện nay, những tác phẩm nghệ thuật này đang được phục hồi trùng tu. Tham quan trong Lầu Khải Tường, chúng ta sẽ có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh, nội thất, đồ dùng được sử dụng trong gia đình vường triều nhà Nguyễn. Nghe kể về lối sống cũng như những câu chuyện gia đình vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu.

Phía sau Lầu Khải Tường là một khoảng sân rộng trãi dài tới 2 hồ nước lớn.
Đứng giữa sân là vườn hoa với những lối đi xung quanh đài phun nước. Đây là khu vườn với đài phun nước ở giữa như những lâu đài ở châu Âu. Mình có thể đoán được là có một số cây trụ để dựng những bức tượng xung quanh đã bị đổ nát. Nền gạch cũng bị tróc lên, gập gềnh. chắc là đang trong quá trình trùng tu. Không khí thật mát lành, cảm giác như đang dạo chơi vườn thượng uyển.

Đứng từ vườn nhìn ngược lên tòa cung điện, sẽ thấy phía trên là một sân thượng rộng rãi, có thể trước đây đã từng là nơi tổ chức các bữa yến tiệc ngoài trời. Có lối bậc thang đi lên lầu 2 từ sân sau. Mặc dù cửa vào trong đã bị khóa lại, nhưng đứng ở đây nhìn xuống thì khá đẹp. Một khuôn viên rộng lớn trãi ra trước mắt.


Có nhiều du khách và người địa phương đến tham quan và chụp hình kỉ niệm trong những bộ trang phục truyền thống. Mong là bạn sẽ có dịp đến đây tham quan để tận mắt chiêm ngưỡng nội thất bên trong.
Ở đây không chỉ đặc biệt với giá trị lịch sử và những câu chuyện kể về cuộc sống vương gia mà còn đẹp với nét phong cách, mỹ thuật và kiến trúc xây dựng. Đó là một sự hòa trộn giữa truyền thống với hiện đại, kết hợp giữa phong cách Đông Tây tạo nên một giá trị nghệ thuật riêng biệt.
Thấy bài viết mang lại những kiến thức hay và ý nghĩa, các bạn nhớ nhấn Like yêu thích. Nếu bạn muốn thưởng thức cà phê ngon, thì nhớ đặt mua cà phê để ủng hộ và đồng hành cùng chúng mình trong hành trình chia sẻ kiến thức và cảm hứng cuộc sống nhé!
#Hue #Mythuat #BaoDai #NamPhuongHoangHau #KhaiTuong #CungAnDinh #Dynasty