Đến Hội An, nhất định phải chèo ghe dạo chơi trên sông Thu Bồn và trãi nghiệm bài chòi, trò chơi dân gian truyền thống của người Quãng Nam. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những điều thú vị về bài chòi nhé!

Nguồn gốc và Lịch sử phát triển
Nghe kể rằng, khoảng cuối thế kỷ thứ XVI và đầu thế kỷ XVII, do nhiều thú dữ thường về phá hoại mùa màng nên người dân đã dựng những chòi canh, và cử những thanh niên trai tráng canh gác. Trong những đêm canh chòi, người ta đã nghĩ ra những hoạt động giao lưu, đối đáp giữa các chòi bằng câu hò, câu hát. Có người còn sáng tạo ra cách ngồi bài tứ sắc với hình thức vừa chơi, vừa hát và hô giữa các chòi. Nghĩ rằng, đây có thể là khởi nguyên của trò chơi dân gian bài chòi.
Bài Chòi từ lâu đã là một phần trong cuộc sống của người dân miền Trung nói chung và Quãng Nam nói riêng.
Cứ mỗi buổi chiều tối, sau khi nhà nhà đã ăn cơm tối xong thì mọi người tập trung lại, dựng chòi, kê ván để chuẩn bị hát bài chòi. Địa điểm hát thường là ngã ba đầu làng, sân chợ hay sân đình rộng rãi.
Theo thời gian, bài chòi chỉ còn được tổ chức vào mỗi ngày Tết. Từ những ngày giáp Tết, mọi người đã tất bật chuẩn bị làm chòi. Người thì chặt tre, người thì bện tranh, xúm nhau dựng chòi. Thường sẽ dựng 9 chòi tre nhỏ vuông vức, lợp mái tranh. 8 chòi dành cho người chơi và 1 chòi cho anh Hiệu. Anh Hiệu là người điều khiển trò chơi. Chòi tre được trang trí đẹp mắt, và cắm cờ hội trên nóc chòi.

Hội bài chòi thường được mở vào sáng mồng 1 Tết Nguyên Đán. Sau khi những cụ già làm lễ cúng thần linh thổ địa, thành hoàng để cầu cho một năm gặp nhiều điều an lành, mùa màng bội thu, xóm làng trù phú. Người dân trong vùng, từ làng trên đến xóm dưới, khoát lên mình những bộ đồ mới, đẹp nhất, nô nức đến chơi bài chòi đầu năm, mong tìm được lộc may mắn cho năm mới.
Hoạt động đó đã trở thành một lối sống, một tập tục trong đời sống của người người dân xứ Quãng, từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Tháng năm trôi qua, và cuộc sống hiện đại có một chút đổi thay. Cũng như những vùng quê khác. Những người trẻ thường tập trung về chốn thị thành để làm ăn, lập nghiệp. Có nhiều điều tốt đẹp hơn họ phải theo đuổi. Có nhiều sự quan tâm khác họ phải dành thời gian để xây đắp. Duy chỉ có người già ở lại chốn quê nhà, gìn giữ những giá trị truyền thống của xóm làng từ ngày xưa. Rồi những người già cũng có lúc phải rời đi, mang theo những nét văn hóa đó. Tưởng chừng như bài chòi đã bị lãng quên, và trở thành một nét văn hóa trong hoài niệm, để rồi sẽ chỉ được nhắc đến qua những câu chuyện kể của thế hệ đương thời.
May mắn là Bài Chòi đã được tái sinh tại Đêm Rằm Phố Cổ Hội An vào năm 1998. Sau đó, bài chòi đã được phục hồi và tổ chức hàng đêm tại sân khấu nhỏ trong phố cổ Hội An bên bờ sông Hoài.
Ngày 7/12/2017, trò chơi dân gian bài chòi hay nghệ thuật bài chòi Nam Trung Bộ Việt Nam đã được Unesco chính thức ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trình diễn và chơi bài chòi tại Hội An đã trở thành một nét đẹp trong đời sống cũng như điểm thu hút du khách mọi miền. Bài chòi góp thêm phần sinh động và phong phú trong hoạt động văn hóa, du lịch, vẫn mang trong mình hơi thở của dân gian truyền thống, tô đậm thêm nét đẹp bình yên của phố Hội.

Cách chơi bài chòi
Mỗi ván sẽ kéo dài khoảng 10 đến 15 phút.
Người chơi sẽ có trên tay một thẻ bài. Trên mỗi thẻ bài sẽ có 3 lá, là tên ba “con” bài khác nhau. Thẻ bài mà người ta sử dụng chính là bộ bài Tam Cúc 27 cặp với các tên gọi như là nhất trò, nhì nghèo, ba gà, tam quăng, tứ cảng…
Chị Hiệu hay Anh Hiệu là những người sẽ rút những con bài trong ống tre và hát những câu hát dân ca, sau đó sẽ “hô” tên con bài.
Khi người chơi có một con bài được gọi tên, sẽ được nhận một cờ hiệu màu vàng. Khi người chơi có đủ ba con bài được gọi tên thì được nhận một lá cờ hiệu màu đỏ và trở thành người chiến thắng trò chơi.
Phần thưởng của trò chơi là những món quà nhỏ làm kỷ niệm như là lồng đèn, bánh mứt.

Âm nhạc và những bài hát mang đậm chất dân gian
Các làn điệu cơ bản của dân ca bài chòi Quảng Nam gồm 4 làn điệu chính là Xuân Nữ, Cổ Bản, Xàng Xê và hò Quảng. Đồng hành với sự phát triển và đổi mới đầy sáng tạo của bài chòi, người nghệ sĩ hát bài chòi đã sáng tạo ra nhiều bài dân ca, câu hò, câu lý đậm chất truyền thống như hò khoan, hò chèo thuyền, vè Quảng, hát ru con…
Sự sôi động và thu hút của bài chòi là nhờ rất nhiều vào tài hoạt ngôn, ứng khẩu thành thơ của anh Hiệu, Chị Hiệu. Được biết, để làm được như vậy, họ phải luyện tập thật nhiều, thuộc lòng trăm ngàn bài thơ, bài vè, câu ca dao, rồi phải biết hát nam, hát khách, những làn điệu dân ca xứ Quảng.
Nội dung của những câu hát thường là những lời tự sự tâm tình về tình yêu, về nhân tình thế thái, về cuộc sống lao động bình yên, cách đối nhân xử thế, hay những thói hư tật xấu của thế gian. Có lúc vui, lúc buồn, lúc tự tình chứa chang, tất cả đều mang ý nghĩa nhân văn, mộc mạc, dân dã và gần gũi.
Nhạc cụ trong trình diễn và hô bài chòi cũng khá đơn giản, một chiếc trống và một chiếc đàn cò. Tiếng trống thì nghe giục giã, gọi mời, còn tiếng đàn thì nghe có chút nỉ non tâm tình.

Gìn giữ giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại
Thật đáng mừng khi trò chơi dân gian bài chòi vẫn được lưu truyền, gìn giữ và trở thành một điểm du lịch văn hóa được đón nhận tại phố cổ Hội An. Đó là một sự may mắn, cũng là sự nổ lực của rất nhiều nghệ sĩ, những nhà văn hóa yêu những nét đẹp di sản ở miền trung và trên khắp Việt Nam.
Nếu hôm nay, bạn đến Hội An, được ngồi chơi một ván bài chòi, đó cũng chính là một trãi nghiệm may mắn rồi.
Thấy bài viết mang lại những kiến thức hay và ý nghĩa, các bạn nhớ nhấn Like yêu thích. Nếu bạn muốn thưởng thức cà phê ngon, thì nhớ đặt mua cà phê để ủng hộ và đồng hành cùng chúng mình trong hành trình chia sẻ kiến thức và cảm hứng cuộc sống nhé!
#Baichoi #Disanvanhoa #Heritage #Hoian #Quangnam #Unesco #Truyenthong #Trochoi #Game #Dangian #Traditional #Culture #Vietnam