Ra trường. Vui.
Dự buổi lễ tốt nghiệp. Nghe xướng tên mình lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi. Cảm thấy tự hào đã hoàn thành xuất sắc một chặng đường làm sinh viên. Vui.
Chụp hình cùng bạn bè, người thân. Nhận những bó hoa chúc mừng. Lòng bồi hồi biết ơn. Vừa vui vừa sướng.
Chính thức bị đuổi khỏi trường. Không còn áp lực học tập, bài tập, thi cử. Cảm giác khoan khoái, tự do.
Rồi sao?
…
Tự do đồng nghĩa với tự lo!
Rồi ngày mai về quê hay ở lại thành phố tìm kiếm công việc làm?
Mình sẽ cố tìm công việc phù hợp với ngành học của mình hay nhận ngay công việc bất kỳ, để mình có thể ở lại thành phố?
Bạn nhanh chóng nhận ra rằng mình đang đối mặt với những sự lựa chọn, với những thay đổi.
Lộ trình mỗi ngày không còn là con đường từ nhà đến trường nữa với sự chu cấp của phụ huynh, mà từ nhà đến bất kỳ nơi nào trong thành phố để tự kiếm thu nhập nôi sống bản thân.

Mình xin gọi thời điểm này là bước ngoặc.
Hành trình cuộc đời chúng ta thường phải qua vài ba bước ngoặc như vậy. Không ai giống ai. Có người thì thấy cuộc đời mình như đang đứng trước ngã tư, ngã bảy phải đưa ra lựa chọn con đường tốt nhất, mình muốn đi nhất để tiếp tục hành trình. Có người thì phải “ôm cua” rẽ ngoặc, chạy nhanh thì lao vào lề đường, chạy chậm thì sẽ bị vượt qua, đánh mất cơ hội dẫn đầu. Cũng có người có bước ngoặc chỉ cong cong một tí tẹo, “xổ” xuống một con dốc, hay chạy lên một đỉnh đồi đầy nắng đẹp.
Thật ra, bất kỳ bước ngoặc hay ngã rẽ nào mà chúng ta đang đối mặt đều có liên quan đến lựa chọn và những con đường mà chúng ta đã và đang đi qua. Tất nhiên, có phần hiện diện của sự may mắn.

Phần mở đầu với hình ảnh của con đường, của những ngã rẽ, khúc ngoặc để bạn dễ hình dung với tất cả những thay đổi trong cuộc đời mình, để đón nhận những sự kiện xảy ra trong cuộc đời mình một cách bình thản, tự nhiên, như một lẽ đương nhiên, giống như chúng ta đi trên con đường, có đoạn lên dốc cao, có đoạn lao xuống dốc dài, nhưng nếu tiếp tục, nếu không bỏ cuộc, không nản chí để dừng lại giữa chừng, thì sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ về tới nơi mà chúng ta mong muốn.
Trước khi tiếp tục đọc những hướng dẫn cách vượt qua bước ngoặc và chọn con đường tiếp tục sau khi tốt nghiệp, mong bạn tin tưởng những điều bạn vừa đọc: đừng ngại những thay đổi vì nó là lẽ đương nhiên của cuộc đời, và tự tin vào bản thân mình vì bạn may mắn và giỏi giang hơn rất nhiều nhiều người khác, không có cơ hội bước chân vào đại học, không có được những kiến thức và trãi nghiệm mà bạn đã có được.
Nhắc lại, thái độ tự tin và sẵn sàng với sự thay đổi, sẽ giúp bạn nắm bắt những cơ hội tốt đến với bạn và luôn nhận được những thăng tiến, phát triển trong sự nghiệp và việc kinh doanh của mình.

Cuộc sống không chọn người học giỏi hơn, nhưng chọn người tạo ra nhiều giá trị hơn
Đây chính là quy luật mà bạn cần biết và hiểu nó trước khi bạn bước chân vào đời, đi làm và kiếm tiền. Người mang lại nhiều giá trị hơn cho công ty, cho xã hội sẽ có sự ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, và có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Cho nên, câu hỏi mà bạn phải luôn đặt ra cho chính mình là “Giá trị tôi đang tạo ra là gì?”
Ở bất kỳ công việc gì, ở bất kỳ vị trí nào, hãy luôn hỏi mình mỗi ngày rằng “Tôi đang đóng góp những giá trị gì?” để ưu tiên lựa chọn làm những việc mang lại giá trị cho công ty, tổ chức, và để tự đánh giá khả năng của bản thân. Nếu bạn tạo ra nhiều giá trị cho tổ chức hơn người khác, nếu bạn làm được những việc những đồng nghiệp hoặc người khác không làm được, bạn nắm trong tay nhiều cơ hội thăng tiến và phát triển sự nghiệp hơn người khác.
Như đã được nhắc đến trong bài viết “Thiết kế phong cách sống hiện đại”, hãy tìm Ikigai của bản thân để bạn luôn có cuộc sống hạnh phúc. Không phải là mục tiêu lúc bạn tốt nghiệp ra trường hay đã có công việc tốt, ổn định, mà chính ở thời điểm hiện tại, ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời.

Lên kế hoạch lộ trình và chuẩn bị trước khi ra trường
Người sống có kế hoạch sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu của bản thân hơn là người tới đâu hay tới đó. Ngay khi là sinh viên, bạn cần có kế hoạch để theo đuổi ước mơ và đam mê nghề nghiệp của mình. Mỗi ngày thực hiện kế hoạch của bạn. Mỗi ngày chuẩn bị dần cho những yêu cầu của công việc và đảm bảo năng lực của bản thân đủ để hoàn thành công việc đó ngay khi bạn hoàn thành chương trình đại học.
Đây chính là phương pháp học đại học mà Tom’s Notes đã chia sẻ đến bạn trong bài viết gần đây “Học giỏi? Có người biết, có người không!”
Hãy tích lũy kinh nghiệm và thực hành những kỹ năng thông qua những hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội và những công việc bán thời gian, làm thêm.
Bạn tôi đã từng trãi qua thời gian học đại học và làm thêm bận rộn để ngay sau khi ra trường có thể bắt đầu công việc tốt trong một công ty máy tính đẳng cấp quốc tế. Có bạn khi còn đang đi học năm hai đại học đã làm hướng dẫn viên nội địa để hướng dẫn cho khách du lịch nước ngoài, luyện tập ngoại ngữ và tích lũy kinh nghiệm sống cũng như quen với văn hóa phương tây. Bây giờ bạn ấy đang công tác ở nước ngoài cho một tập đoàn thương mại quốc tế.
Hãy chuẩn bị CV và bắt đầu những công việc đơn giản trong khả năng của bạn, để trãi nghiệm môi trường công việc như một phần trong kế hoạch học tập đại học của bạn.
Có kế hoạch đầy tính thực tế cho những dự định tương lai của mình, bạn sẽ không phải đối mặt với bất kỳ “khúc ngoặc cua gấp” nào trong cuộc đời của bạn!

Chọn công việc đầu tiên là công việc bạn yêu thích
Công việc đầu tiên, môi trường làm việc và người quản lý đầu tiên luôn ảnh hưởng lớn đến tư duy nghề nghiệp của bạn. Trăm ngàn tổ chức kinh tế, không nơi nào có văn hóa và môi trường làm việc giống nơi nào. Thời đại kinh tế phát triển mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn. Bên cạnh mức thu nhập, hãy đưa những yếu tố về môi trường, văn hóa và cơ hội học tập lên danh sách những tiêu chí để chọn lựa công việc đầu tiên của bạn.
Khi áp lực cuộc sống chưa quá ảnh hưởng đến lựa chọn của bạn. Hãy chọn cho mình công việc tốt với người quản lý tử tế để dẫn dắt bạn trong những bước chân đầu tiên của sự nghiệp. Bạn sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc từ tư duy và phong cách quản lý của người quản lý đầu tiên.

Thực hành việc quản lý tài chính cá nhân tốt hơn
Chắc hẳn bạn đã học được nhiều bài học chi tiêu tiết kiệm từ thời sinh viên của mình. Việc quản lý tài chính cần được nâng cấp lên một mức độ cao hơn, phức tạp hơn như khi bạn chuyển qua level mới của một video game.
Đầu tiên, bạn sẽ có mục mới đó là các khoản thu nhập. Bạn có quyền tự do thêm vào bao nhiêu nguồn thu nhập của bạn tùy vào năng lực và giá trị mà bạn mang lại.
Tiếp đến, hãy sắp xếp lại các khoản chi cho phù hợp cho một cuộc sống cân bằng, ổn định và phát triển bền vững. Bạn sẽ thêm một khoản tiết kiệm, thêm khoản đầu tư, thêm khoảng học tập sau đại học, hỗ trợ gia đình (gởi về cho mẹ!) bên cạnh những mục chi tiêu đã có sẵn dành cho nhu cầu cuộc sống của bản thân.
Lời kết:
Hi vọng, lời kết của bài viết này sẽ mở ra cho bạn những ý tưởng về tương lai tươi đẹp phía trước.
Chúng tôi, những người đang góp nhặt kinh nghiệm tuổi trẻ của chính mình để chia sẻ đến bạn, chỉ hi vọng bạn sẽ tự tin hơn khi bước vào đời. Nhớ chia sẻ với Tom’s Notes về những khó khăn mà bạn đang đối mặt hay những ý tưởng tốt hơn mà bạn đã làm được, đã vượt qua những giới hạn của chính mình. Sẽ thật sự ý nghĩa vì nó chính là những cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ thế hệ tiếp sau.
Ờ, thì. Ra trường rồi. Cứ tiếp tục vui thôi!