“Những điều nhỏ nhặt góp phần tạo nên cuộc sống lâu dài và hạnh phúc”
(Những bài học nhỏ từ Ikigai)

Câu châm ngôn trong tiếng latinh “Mens sana in corpore sano” nghĩa là một tâm trí minh mẫn trong một cơ thể cường tráng, luôn là câu nói kinh điển đầy sự uyên bác. Nó nhắc chúng ta rằng cả cơ thể và tinh thần đều rất quan trọng, và rằng sức khỏe của phần này có liên kết chặc chẽ với sức khỏe của phần còn lại. Việc duy trì tâm trí năng động, dễ thích ứng là một yếu tố quan trọng để giữ được sự trẻ trung.
Tâm trí trẻ trung cũng thúc đẩy bạn hướng tới lối sống lành mạnh, góp phần làm chậm quá trình lão hóa.
Tương tự, thiếu rèn luyện thể chất cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cơ thể và tâm trạng, thiếu rèn luyện tâm trí cũng gây hại cho chúng ta do khiến các nơ-ron và kết nối thần kinh suy kém đi – kết quả là làm giảm khả năng phản ứng của chúng ta với môi trường xung quanh.
Khi tiếp xúc với thông tin mới, não bộ sẽ tạo ra những kết nối mới và được tiếp thêm sinh lực. Đó là lý do vì sao việc cho phép bản thân tiếp xúc với những điều mới mẻ lại quan trọng đến vậy, mặc dù bước ra khỏi vùng an toàn có thể mang lại đôi chút cảm giác lo lắng.
Các nơ-ron đã bắt đầu già đi khi chúng ta vẫn còn trong độ tuổi đôi mươi. Tuy nhiên quá trình này được giảm tốc nhờ các hoạt động trí óc, tính tò mò và hiếu học. Xử lý các tình huống mới, học hỏi điều mới mẻ mỗi ngày, chơi trò chơi và tương tác với người khác dường như là những chiến lược chống lão hóa thiết yếu cho tâm trí.

Stress, thủ phạm giết chết tuổi thọ
Rất nhiều người trông già hơn tuổi thật của họ. Stress chính là nguyên nhân lớn nhất cho vấn đề này, bởi lẽ cơ thể bị hao mòn nhanh hơn nhiều trong những khoảng thời gian khủng hoảng.
Stress diễn ra như thế nào?
Ngày nay, con người sống quay cuồng và gần như luôn trong trạng thái cạnh tranh. Ở tình trạng kích thích cao độ này, căng thẳng là một phản ứng tự nhiên đối với những thông tin được cơ thể tiếp nhận và xem là tiềm tàng nguy hiểm hoặc có vấn đề.
Tín hiệu báo động trong đầu chúng ta khiến các nơ-ron kích hoạt tuyến yên, nơi sản sinh các hoóc-môn giải phóng corticotropin, từ đó corticotropin được hệ thần kinh giao cảm luân chuyển khắp cơ thể. Tuyến thượng sau đấy được kích hoạt để giải phóng adrenalin và cortisol. Adrenalin làm tăng nhịp thở và nhịp tim, đồng thời chuẩn bị các cơ bắp để hành động, giúp cơ thể sẵn sàng phản ứng với nguy cơ trước mắt. Trong khi đó, cortisol tăng cường giải phóng dopamine và đường huyết giúp chúng ta được sạc đầy pin và sẵn sàng đối mặt với thách thức.
Ở mức độ vừa phải, các quy trình này nhìn chung có lợi – giúp chúng ta vượt qua các thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, sự căng thẳng kéo dài và liên tiếp mà con người phải chịu đựng trong cuộc sống hiện đại ngày nay rõ ràng là có hại.
Theo thời gian, stress gây ra các tác động thoái hóa. Tình trạng liên tục ở trạng thái báo động ảnh hưởng tới các nơ-ron liên quan đến trí nhớ, cũng như ức chế quá trình giải phóng một số hoóc-môn, và sự thiếu hụt này có thể dẫn tới chứng trầm cảm. Tác dụng phụ của nó bao gồm mất ngủ, lo âu, dễ cáu kỉnh và cao huyết áp.
Do đó, mặc dù các thách thức giúp giữ cho tâm trí và cơ thể năng động, nhưng chúng ta cần phải điều chỉnh lại những lối sống gây stress cao độ để tránh tình trạng lão hóa sớm của cơ thể.

Chú tâm đến việc giải tỏa stress
Stress là một trạng thái có thể dễ dàng nhận biết. Nó không chỉ gây ra sự lo âu mà còn dẫn đến căng thẳng thần kinh cao độ, ảnh hưởng tới mọi thứ từ hệ tiêu hóa đến làn da.
Thế nên, việc ngăn ngừa stress để phòng tránh những tổn thương liên quan là vô cùng quan trọng và đó cũng là lý do tại sao nhiều chuyên gia khuyên chúng ta thực hành chánh niệm.
Tiền đề trọng tâm của phương pháp giải tỏa stress này là tập trung vào bản thân, nhiện biết những phản ứng của mình ngay cả khi chỉ là thói quen. Từ đó, có thể ý thức một cách đầy đủ về chúng. Bằng cách này, chúng ta có thể kết nối với hiện tại và giới hạn những suy nghĩ có xu hướng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Một cách để đạt tới trạng thái chánh niệm là thông qua thiền, phương pháp giúp chúng ta lọc thông tin tiếp nhận được từ thế giới bên ngoài. Nó cũng có thể đạt được thông qua các bài tập thở, yoga, thiền quét cơ thể.
Để đạt được chánh niệm, đòi hỏi một quá trình luyện tập lâu dài nhưng chỉ cần chịu khó thực hành, chúng ta có thể học cách tập trung hoàn toàn tâm trí, từ đó giải tỏa được stress và sống lâu hơn.
Ngồi nhiều cũng khiến bạn nhanh già
Thói quen ngồi nhiều dẫn tới vô số bệnh tật như cao huyết áp và béo phì, khiến tuổi thọ bị ảnh hưởng. Ngồi quá nhiều ở văn phòng hoặc ở nhà không chỉ làm suy giảm cơ bắp và sức khỏe đường hô hấp, mà còn làm tăng sự thèm ăn và ức chế ham muốn vận động.
Ngồi nhiều có thể dẫn đến chứng tăng huyết áp, mất cân bằng ăn uống, bệnh tim mạch, loãng xương, và cả một số loại ung thư.
Sau đây là một số thực hành, nếu cuộc sống bạn quá bận rộn không thể dành thời gian cho việc vận động thể dục, thể thao:
- Đi bộ ít nhất 20 phút mỗi ngày, hoặc đi bộ đi làm.
- Đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy hoặc thang cuốn. Điều này tốt cho vóc dáng, cơ bắp và hệ hô hấp.
- Tham gia các hoạt động xã hội hoặc giải trí, nhờ vậy có thể hạn chế thời gian ngồi trước màn hình máy tính, ti vi hay sử dụng điện thoại.
- Thay thế các loại đồ ăn vặt bằng hoa quả, từ đó, giảm bớt nhu cầu ăn nhẹ, đồng thời cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn cho cơ thể.
- Chơi với trẻ em hay thú cưng, hoặc chơi một môn thể thao nào đó. Điều này không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn kích thích bộ não và tăng cường lòng tự tôn.
- Tự ý thức về những thói quen hằng ngày để phát hiện ra những thói quen có hại, và thay thế bằng những thói quen tích cực hơn.
- Ngủ đủ giấc. Ngủ từ 7 đến 9 tiếng là tốt nhất. Ngủ nhiều hơn sẽ gây ra cảm giác uể oải. Giấc ngủ ngon và đủ sẽ giúp cho bề mặt da căng mịn, không có nếp nhăn và ánh lên vẻ rạng rỡ, khỏe mạnh.

Giấc ngủ là một công cụ chống lão hóa then chốt, bởi lẽ khi ngủ, chúng ta tạo ra melatonin, một loại hoóc-môn xuất hiện tự nhiên trong cơ thể. Tuyến tùng sản sinh melatonin từ chất dẫn truyền thần kinh serotonin theo nhịp sinh học ban ngày và ban đêm của chúng ta, vì thế, hoóc-môn này đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ ngủ và thức.
Là chất chống oxy hóa mạnh, melatonin giúp chúng ta sống lâu hơn, đồng thời mang lại những lợi ích như tăng cường hệ miễn dịch, chống ung thư, thúc đẩy quá trình sản sinh insulin tự nhiên (hormon quan trọng nhất cho quá trình lưu trữ, sử dụng đường, acid amin và acid béo và duy trì lượng đường trong máu), đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, ngăn ngừa loãng xương và phòng tránh bệnh tim.
Bằng cách tạo ra những thay đổi nhỏ, chúng ta có thể bắt đầu phục hồi lại cơ thể và tâm trí cũng như tăng cường tuổi thọ.
Tom’s Notes xin gởi đến bạn những lời hay nhất đọc được từ cuốn sách Ikigai – lý do thức dậy mỗi buổi sáng của Héctor García & Francesc Miralles